Trả công bằng cho người học thật
Theo bạn đọc (BĐ) Lê Vân Ngọc Long, nên công khai danh tính của những người đã mua bằng giả của Trường ĐH Đông Đô cũng như các trường ĐH khác nếu các trường hợp này do cơ quan chức năng phát hiện. Bởi đây là một trong số những tệ nạn trong xã hội cần phải bị bài trừ và xử lý theo quy định luật pháp. Việc công khai danh tính người sử dụng bằng giả sẽ giúp ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực và góp phần tích cực trong việc làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội và tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong thi cử, tuyển dụng, đề bạt, cất nhắc cán bộ, công chức. Làm tốt sẽ tránh được những kẻ cơ hội, tiêu cực nói chung. Tránh tư tưởng chạy theo bằng cấp mà xem nhẹ cái cơ bản là năng lực, hiệu quả thực tế, kỹ năng công việc.
BĐ Nguyễn Thảo cũng rất đồng tình với ý kiến nêu trên và cho rằng “việc công khai danh tính của những người mua bằng giả sẽ giúp lành mạnh hóa, hạn chế tiêu cực việc mua bằng và đặc biệt là cần xử lý nghiêm để trả lại công bằng cho người học thật”.
Nên làm tới cùng
BĐ Tịnh HTXH cho rằng nếu là cán bộ, công chức hay viên chức mà có tên trong danh sách thì cơ quan tổ chức của người đó cần phải xử lý nghiêm minh. Ngoài ra một vấn đề nữa đó là khi bị “rục rịch” thông tin bằng cấp có liên quan về Trường ĐH Đông Đô, cơ quan chức năng nên chú ý đến việc: sẽ có những trường hợp lén lút, nhờ vả để rút bằng ra khỏi hồ sơ của mình nhằm tiêu hủy chứng cứ! “Tôi mong rằng dù bất cứ ai có tên trong danh sách, ở bất kỳ cơ quan nào trong bộ máy nhà nước cũng cần phải xử lý thật nghiêm minh, không bao biện cho sai phạm. Họ đã bỏ tiền ra để có bằng tất nhiên sẽ có mục đích nên việc họ rút ra hồ sơ cán bộ lại là người đáng phải xử nặng hơn vì chính họ đã qua mặt cơ quan, lừa lọc cả nhân dân và công luận xã hội”, BĐ Tịnh HTXH viết.